
Theo Thông báo của Bộ Công an, thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xuất hiện tình trạng công dân Việt Nam bị lừa gạt, lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang các nước Campuchia, Myanmar, Philippin để lao động, làm việc nhưng sau đó bị lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, game online, kinh doanh tiền kỹ thuật số… do người Trung Quốc làm chủ.
Một nạn nhân (áo trắng) ở Bến Tre từng bị lứa bán sang Campuachia (ảnh: Thanh Trúc)
Tại đây, các nạn nhân bị bóc lột, cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nếu muốn được trả tự do phải nộp tiền chuộc từ 150 triệu đến 200 triệu đồng; nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng đánh đập, ngược đãi nguy hiểm đến tính mạng hoặc bán sang các cơ sở khác.
Hiện có khoảng hơn 700 công ty, cơ sở đang hoạt động theo hình thức trên và tiếp tục cần số lượng lớn nhân viên người Việt Nam để hướng tới lôi kéo người Việt Nam trong nước tham gia đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền kỹ thuật số…
Trong 06 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại các nước; riêng địa bàn tỉnh Bến Tre, Công an tỉnh đã ghi nhận 03 trường hợp bị lừa xuất cảnh sang Campuchia bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản (xảy ra ở các huyện Thạnh Phú, Giồng Trôm, Châu Thành).
Qua đơn tố cáo của các nạn nhân và kết quả điều tra, xác minh của cơ quan chức năng xác định các đối tượng sử dụng một số phương thức, thủ đoạn lừa bán người sang nước ngoài như sau:
1. Các đối tượng thông qua các hội nhóm, trang fanpage trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Wechat ... đăng tin, bài nội dung quảng cáo, tuyển dụng lao động, giới thiệu việc làm ở nước ngoài với công việc nhẹ, mức lương khá cao (từ 700 – 1000 USD/tháng) không cần trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, chỉ cần biết đánh máy vi tính để tìm nạn nhân. Sau khi các nạn nhân đồng ý muốn làm việc, các đối tượng sẽ liên hệ và tổ chức cho họ xuất cảnh sang nước ngoài bằng cả con đường hợp pháp và bất hợp pháp. Khi đến nước ngoài, các đối tượng bán nạn nhân vào các công ty, cơ sở kinh doanh đánh bạc trực tuyến, game online, kinh doanh tiền kỹ thuật số…
2. Một số đối tượng người Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài hoặc các đối tượng “cò mồi' ở trong nước câu kết với các đối tượng ở nước ngoài trực tiếp đến các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, kinh tế khó khăn để tìm kiếm, gặp gỡ những người (trong độ tuổi từ 20 tuổi đến 30 tuổi) có nhu cầu tìm kiếm việc làm, muốn xuất khẩu lao động ở nước ngoài… để lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn về công việc ổn định, lương cao, chi phí thấp, thậm chí các đối tượng còn cho nạn nhân “ứng trước" tiền để lo chi phí xuất cảnh đã khiến nhiều người nhẹ dạ, cả tin mắc bẫy.
3. Một số đối tượng người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu ở nước ngoài đe dọa, ép buộc các bị hại thông qua các tài khoản Facebook, Zalo để nhắn tin, gọi điện, lôi kéo, dụ dỗ người quen, bạn bè sang nước ngoài làm việc với đãi ngộ hấp dẫn, công việc nhẹ, mức lương cao.
4. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo để tạo các tài khoản giả, sử dụng, tên, địa chỉ giả... kết bạn, làm quen với những phụ nữ, trẻ em gái để tán tỉnh, yêu đương hoặc những người có nhu cầu tìm việc làm ở nước ngoài; sau đó hứa hẹn, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, làm việc; nếu nạn nhân đồng ý, các đối tượng tổ chức đưa các nạn nhân xuất cảnh trái phép sang nước ngoài và bán cho các ổ mại dâm, công ty, cơ sở đánh bạc, kinh doanh tiền ảo.
Để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng trên, Công an tỉnh Bến Tre khuyến cáo người dân một số nội dung như sau:
1. Mọi công dân hãy tự bảo vệ bản thân và gia đình, cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi, hứa hẹn về “việc nhẹ, lương cao" ở nước ngoài từ các đối tượng trên mạng xã hội hoặc các thông tin, hoạt động tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài trên mạng xã hội của các công ty, doanh nghiệp mà không có địa chỉ, tư cách pháp nhân ở Việt Nam. Nếu có nhu cầu xuất khẩu lao động ở nước ngoài thì liên hệ các cơ quan chức năng ở địa phương để giới thiệu các tổ chức, doanh nghiệp uy tín có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm đảm bảo an toàn, hợp pháp.
2. Trước khi xác định nhận lời đi làm việc, du lịch ở nước ngoài cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc, du lịch; đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu đi làm việc, du lịch và người đi cùng; nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm, công ty làm việc, thông tin người đi cùng trước khi quyết định xuất cảnh.
3. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là người lạ, người không thân quen, người quen trên các mạng xã hội.
Trước tình trạng trên, Công an tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân hiểu rõ và phối hợp tham gia phòng ngừa, đấu tranh, phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm xuất cảnh trái phép, mua bán người nói riêng.
Công dân khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang nước ngoài làm việc có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo, mua bán người, cần thông báo ngay cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất hoặc Tổng đài quốc gia 111 để được tư vấn, hướng dẫn kịp thời.